Dù quyết định việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân có hiệu lực từ 28.3, dù cam kết “Tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục…”, nhưng đến giờ, vẫn chưa một đồng nào được giải ngân.
Mỹ Hạnh công nhân một công ty chế biến thuỷ sản ở Khu Công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm, Khánh Hoà) tính toán mỗi tháng mất hơn 1,2 triệu đồng tiền thuê trọ. Đó là khoảng 1/5 tiền lương. “Có nghe chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho công nhân trên tivi nhưng đến giờ vẫn chưa thấy công ty hay ai nói gì”.
“Đến giờ” của Hạnh là ngày 5.4, tức là 1 tuần sau khi chính sách có hiệu lực.
Và, “đến giờ” những người như Hạnh sẽ còn phải tiếp tục chờ.
“Tới quý 3/2021, cả nước đã có tới hơn 28,2 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Trong đó: 4,7 triệu người bị mất việc làm; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ việc/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập… Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, cao nhất 10 năm qua”– ngoặc kép là từ một báo cáo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Ngoặc kép này cùng với việc “những đoàn người xếp hàng từ mờ sáng chờ rút bảo hiểm xã hội một lần”, cũng chính là nguyên cớ để chính phủ có quyết định 08 về việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho công nhân. Một chính sách-không thể nói khác- quá thiết thực, quá cần thiết cho người lao động đang cực kỳ khó khăn và vừa trải qua những tình trạng “phải ăn nhiều mì tôm hơn”.
Thế nhưng “đến giờ”, gần một tháng rưỡi sau quyết định của Chính phủ, vẫn chưa một đồng nào tới được tay người lao động- thông tin từ Tiền phong. Một “Lãnh đạo Bộ Lao động- thương binh và xã hội” được dẫn lời cho biết: tính tới ngày 27.4, nhiều địa phương triển khai chậm, cả nước mới có 22 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 08, và chưa địa phương nào báo cáo đã giải ngân hỗ trợ người lao động.
Biện pháp Bộ sử dụng là “Đang làm báo cáo Chính phủ để có công điện nhắc nhở các địa phương triển khai tích cực việc này”.
Có câu: Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Một tháng rưỡi. Và giờ có nơi vẫn chưa có kế hoạch triển khai. Một tháng rưỡi, và chưa địa phương nào báo cáo đã giải ngân hỗ trợ.
Một chính sách cần có độ trễ, nhưng khi chính sách đó ban đầu đưa ra thời hạn giải quyết hồ sơ bằng “2 ngày làm việc”, có nghĩa là Chính phủ mong đồng tiền hỗ trợ đến thật sớm được với người lao động, không chỉ là để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn mà còn để ổn định thị trường lao động.
Và giờ, tiền vẫn chỉ có trên tivi. Bởi đến bao giờ có lẽ không ai trả lời được.
Theo báo Lao Động