Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội của kỳ họp Quốc hội mới đây, một số đại biểu đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội phương án giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động (NLĐ) khu vực tư nhân.
Xu hướng tiến bộ
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa – Xã hội, đề xuất lộ trình giảm giờ làm nên bắt đầu từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ vào năm 2026 và giảm còn 40 giờ vào năm 2030.
Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy hầu hết các quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ.
Theo ông Nghĩa, đây là xu hướng tiến bộ mà nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện, là đòn bẩy chiến lược nâng cao chất lượng lao động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới. Giảm giờ làm không chỉ là cải thiện điều kiện làm việc mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống, sức khỏe tinh thần và năng suất lao động nếu đi kèm chính sách hỗ trợ phù hợp.
Tổng LĐLĐ Việt Nam nhiều lần đề cập vấn đề này trên các diễn đàn thông qua nhiều cuộc khảo sát. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thông tin có không ít công nhân (CN) kiệt sức do thời gian làm việc quá dài, việc giảm giờ làm sẽ giúp họ có thời gian nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động.

Không chỉ giảm giờ làm, người lao động tại Công ty CP Dược phẩm An Thiên còn được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Ảnh: THANH YÊN
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay ở Trung Quốc, khi thu nhập trung bình của người dân đạt 2.500 USD/năm thì nước này đã giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần; trong khi mức thu nhập trung bình của Việt Nam đã cao hơn 2.500 USD/năm nhưng vẫn chưa giảm giờ làm.
Nhiều cán bộ Công đoàn tại TP HCM cũng nhìn nhận giảm giờ làm là cần thiết để tạo sự công bằng giữa NLĐ làm việc tại khu vực công (áp dụng 40 giờ/tuần từ năm 1999) và NLĐ khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước. Bởi hiện nay, các ngày nghỉ lễ, Tết được quyết định theo thời gian làm việc của khu vực công, NLĐ trong khối DN được nghỉ ít hơn do thứ bảy được tính là ngày làm việc bình thường, không được nghỉ bù…
Cần chính sách phù hợp
Nhiều cuộc khảo sát của Viện CN và Công đoàn (nay là Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động – Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho thấy thời giờ làm việc kéo dài đã ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của NLĐ.
Kiến nghị giảm giờ làm việc bình thường đối với NLĐ thấp hơn 48 giờ/tuần là phù hợp nhưng nếu ngay lập tức áp dụng thời gian làm việc như khu vực công sẽ đẩy DN vào tình cảnh khó khăn… Vì thế, cần có lộ trình giảm giờ làm khu vực tư xuống còn 44 giờ/tuần và dần tiệm cận mức 40 giờ/tuần như khu vực công.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số DN đã tiên phong áp dụng mô hình 44 giờ/tuần, như Công ty CP Dược phẩm An Thiên (TP HCM).
Theo ông Lê Đình Chi, Chủ tịch Công đoàn công ty, năm 2016, khi DN xây dựng nhà máy sản xuất ở xa địa bàn cư trú của NLĐ thì đã tính đến giảm giờ làm của NLĐ xuống 44 giờ/tuần để họ được nghỉ nửa ngày thứ bảy và trọn chủ nhật hằng tuần.
Tuy nhiên, khi áp dụng có một số hạn chế như đường đi làm xa, NLĐ mất thời gian di chuyển nên nghỉ nửa ngày không còn nhiều ý nghĩa. Đáp ứng nguyện vọng của họ, Công đoàn đã đề xuất chế độ linh hoạt hơn, đó là làm cả ngày thứ bảy một tuần thì tuần kế tiếp được nghỉ trọn ngày. Cách làm này giúp NLĐ có ít nhất 2 thứ bảy nghỉ hoàn toàn mỗi tháng.
“NLĐ muốn nghỉ ngơi nhưng vì năng suất, thu nhập còn thấp nên nhiều người buộc phải làm thêm giờ. Khi DN giảm giờ làm mà vẫn giữ nguyên thu nhập, NLĐ sẽ rất ủng hộ. Thay vì trông chờ vào tăng ca, chúng tôi đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng suất” – ông Chi nói.
Công ty CP Bất động sản Trường Sơn (TP HCM) từ năm 2020 cũng đã giảm giờ làm từ 44 giờ/tuần còn 40 giờ/tuần, NLĐ được nghỉ trọn 2 ngày cuối tuần, đầu tư cho sức khỏe bản thân và có thời gian cho gia đình. Chính sách này được áp dụng song song với việc điều chỉnh tăng thu nhập nên hầu hết NLĐ đều phấn khởi.
Về phía NLĐ, ủng hộ giảm giờ làm song còn không ít băn khoăn về vấn đề thu nhập. Chị Dương Trúc Ly, CN may mặc tại TP HCM, cho biết hiện làm việc 6 ngày/tuần, mỗi ngày 8-10 giờ, mùa cao điểm thời gian tăng ca sẽ kéo dài hơn. Nêu ý kiến nếu giảm giờ làm mà không có chính sách hỗ trợ kèm theo thì thu nhập bị ảnh hưởng, chị Trúc Ly mong muốn mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh để NLĐ vững tâm hơn khi nghỉ ngơi.