Khi công ty phá sản, tôi cầu xin My vay tiền bố mẹ giúp nhưng cô ấy chỉ lặng lẽ đặt đơn ly hôn xuống bàn.
Tôi vốn là một chàng trai quê nghèo lên thành phố học đại học, chẳng có gì trong tay ngoài khát vọng đổi đời. Ấy vậy mà giữa nơi phồn hoa ấy, tôi lại có được tình yêu của một cô gái thành thị. My không chỉ xinh đẹp, giỏi giang mà còn giàu lòng bao dung.
Khi còn là sinh viên, cô ấy chăm sóc tôi như người thân ruột thịt. Cô ấy lo cho tôi từ bữa ăn, chiếc áo đến từng đồng tiền trọ. Ra trường, tôi vẫn chật vật, My vẫn gánh vác hết mọi chi phí mà không một lời than vãn. Tình yêu đó từng khiến tôi tự nhủ phải trân trọng suốt đời.
Nhưng đàn ông trẻ thường ngông cuồng. Khi bước vào tuổi lập nghiệp, tôi không muốn yên phận làm thuê. Tôi muốn khởi nghiệp, muốn tự xây dựng đế chế của riêng mình. Nhưng My phản đối, bảo tôi hãy bắt đầu bằng một công việc ổn định ở công ty người thân cô ấy giới thiệu.
Tôi từ chối. Cô im lặng. Nửa năm sau, My bất ngờ đưa tôi sổ hộ khẩu, nói muốn kết hôn. Kèm theo đó là hợp đồng mua nhà, ngôi nhà bố mẹ cô ấy đã đứng tên và chỉ chờ cưới là ghi tên tôi vào. Tôi lưỡng lự, rồi gật đầu.
Đám cưới tổ chức linh đình, bố mẹ My hào phóng chẳng tiếc gì. Toàn bộ tiền mừng cũng để cho vợ chồng tôi giữ. Và rồi, tôi dại dột, nghỉ việc và lấy toàn bộ tiền đó mở công ty riêng mà không nói với vợ một lời.
Tôi mở công ty riêng mà không nói với vợ một lời. (Ảnh minh họa)
Chỉ chưa đầy nửa năm sau, công ty phá sản. Tôi trắng tay, nợ nần. Tôi cầu xin My vay tiền bố mẹ giúp, nhưng cô ấy chỉ lặng lẽ đặt đơn ly hôn xuống bàn. Khi đó, cô ấy nói:
– Em không tiếc tiền. Em tiếc niềm tin.
Tôi giận cô, cho rằng cô thực dụng, chỉ biết tiền mà quên hết những gì đã cùng nhau trải qua. Trong cơn bốc đồng, tôi ký vào đơn ly hôn rồi lặng lẽ rời đi tay trắng. Ngôi nhà chúng tôi sống chung có đứng tên tôi, đáng lý tôi có quyền giữ lại một nửa.
Nhưng nghĩ kỹ lại, ngôi nhà ấy tôi chưa từng bỏ ra một đồng nào. Mọi thứ đều do gia đình cô lo liệu. Vậy nên, tôi chọn cách ra đi không mang theo gì cả, ít nhất, tôi còn giữ được chút tự trọng cuối cùng.
Sau ly hôn, tôi quay về làm ở công ty cũ. Phần vì nể mặt vợ cũ, phần vì biết năng lực của tôi nên công ty vẫn nhận và không trách móc về chuyện xưa. Nhưng mỗi khi tôi hỏi về My, ai cũng lảng tránh, bảo:
– Khi nào cậu khá hơn thì hẵng liên lạc với cô ấy.
Chỉ một lời nói ngắn gọn thôi nhưng như vết dao cứa vào lòng tôi. Sau lần đó, tôi không hỏi dò về vợ cũ nữa, cũng chẳng còn mặt mũi nào mà tới gặp vợ cũ nữa. Tôi hiểu, tôi đã mất cô ấy thật rồi, không còn cơ hội nào nữa.
Vợ kiên quyết ly hôn khi tôi phá sản. (Ảnh minh họa)
Nhưng gần hai năm sau ly hôn, định mệnh bất ngờ đưa cô ấy trở lại trước mắt tôi.
Chiều hôm đó, vừa tan sở, tôi đi ngang qua một cửa hàng đồ trẻ em thì bất chợt khựng lại. Trên vỉa hè, một cậu bé chừng một tuổi đang chập chững bước đi, tay cầm món đồ chơi, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Phía sau là vợ cũ tôi, vẫn mái tóc dài ấy, dáng người gầy nhưng đầy kiên cường. Cô đi sát phía sau, giữ khoảng cách đủ gần để đỡ con nếu ngã.
Tôi chết lặng. Đôi mắt của đứa trẻ, khuôn miệng ấy… giống tôi đến kỳ lạ. Cảm xúc dồn nén bao lâu nay bỗng òa vỡ. Khi cậu bé vững vàng đi thêm vài bước nữa, tôi không kìm được. Giữa phố đông, tôi bất giác vỗ tay khen:
– Giỏi quá! Con trai giỏi quá!
My quay lại. Ánh mắt sững sờ của cô ấy gặp ánh mắt tôi, nghẹn ngào, không nói thành lời. Còn tôi, lần đầu tiên sau ngần ấy tháng, nước mắt rơi xuống vì hạnh phúc lẫn day dứt.
Gần 2 năm sau ly hôn, tôi vô tình gặp lại vợ cũ. (Ảnh minh họa)
Rồi tôi bước đến, giọng run run hỏi vợ cũ:
– Là… con anh sao?
My gật đầu, không oán trách, không né tránh, chỉ có một vẻ bình thản đầy đau đớn, như thể cô đã chờ giây phút này từ rất lâu rồi.
Tối hôm đó, chúng tôi ngồi ở quán cà phê cũ, nơi từng là góc nhỏ riêng của hai đứa thời sinh viên. Tôi kể hết những đêm mất ngủ, những tháng ngày làm lại từ đầu, những lúc nhớ cô ấy đến quay quắt, nhưng không đủ dũng khí để tìm lại.
My im lặng rất lâu, rồi nhẹ nhàng nói:
– Em chưa từng nghĩ mình sẽ tha thứ. Nhưng đến hôm nay… có lẽ trái tim em cũng không còn đủ sức để oán giận nữa rồi.
Ngày hôm sau, chúng tôi cùng nhau đến phòng đi tái hôn. Khi trở về ngôi nhà cũ, tôi thấy mọi thứ vẫn nguyên vẹn như ngày tôi ra đi, từ đôi dép cũ đến chiếc bàn làm việc màu nâu gỗ cô ấy từng chọn cho tôi. Tôi bật khóc, không phải vì hối hận, mà vì biết mình vừa được trao một cơ hội nữa để làm lại, và lần này tôi sẽ trân trọng tổ ấm của mình, cố gắng bù đắp cho mẹ con cô ấy thật tốt.