“Nghề bị xa lánh” trở thành lựa chọn phổ biến
Tại Trung Quốc, ngành tang lễ từ lâu bị bao phủ bởi lớp định kiến nặng nề: u ám, xui xẻo, gắn với thế giới tâm linh và sự mất mát. Nhưng vài năm gần đây, điều này đang thay đổi đáng kể. Một thế hệ trẻ, sinh sau thập niên 90, 2000 đang mạnh dạn bước chân vào lĩnh vực từng được gọi là “nghề âm dương”, với tinh thần hiện đại và sáng tạo chưa từng có.

Ngành dịch vụ tang lễ ngày càng thu hút đông đảo người trẻ Trung Quốc (Ảnh: Wei Liang/CNS/People Visual).
Trả lời phỏng vấn trên South China Morning Post, Lin Han – một cựu chuyên viên truyền thông – đã bỏ việc văn phòng để mở cửa hàng kinh doanh sản phẩm tang lễ trực tuyến. Không chỉ bán các vật dụng truyền thống, Lin còn giới thiệu dòng sản phẩm “thời trang tang lễ”, mang màu sắc nhẹ nhàng hơn, thiết kế tinh tế hơn, giúp thân nhân cảm thấy nhẹ nhõm hơn trong lễ tiễn biệt người quá cố.
Không dừng lại ở bán hàng, thế hệ trẻ còn mang công nghệ vào ngành nghề cổ xưa này. Dịch vụ livestream lễ tang, nền tảng tưởng niệm kỹ thuật số, ứng dụng nhắc ngày giỗ… đang được triển khai ở nhiều tỉnh thành. Những sáng tạo này không chỉ bắt kịp xu hướng số hóa mà còn giúp xoa dịu nỗi đau, mang đến sự kết nối tinh thần cho những người ở xa không thể về chịu tang.
Ổn định, ít cạnh tranh, nhiều ý nghĩa
Trên Sixth Tone, nhiều người trẻ cho biết họ chọn ngành tang lễ không phải vì hết lựa chọn, mà vì đây là nghề ổn định và có ý nghĩa nhân văn. Một số vị trí trong ngành được biên chế nhà nước, mức lương trung bình khoảng 5.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương khoảng 18 triệu đồng), đi kèm với bảo hiểm và trợ cấp đầy đủ.
Bên cạnh thu nhập ổn định, ngành tang lễ cũng có lợi thế ít cạnh tranh hơn nhiều lĩnh vực “hot” khác như công nghệ hay tài chính. Một số bạn trẻ thừa nhận, khi thị trường việc làm bão hòa, đây là nơi họ cảm thấy được trọng dụng – nếu đủ cam đảm bước qua rào cản tâm lý xã hội.
“Chúng tôi không làm việc với cái chết, mà là với sự sống sau khi chia ly”, một nhân viên lễ tang tại Tây An chia sẻ với Sixth Tone.
Anh nói thêm rằng công việc của mình là “đưa tiễn một cách trang trọng, giúp gia đình cảm thấy nhẹ lòng”, và bản thân anh cảm thấy công việc này có giá trị lâu dài.

Nhiều người trẻ cho rằng làm việc trong ngành tang lễ là làm việc với sự sống sau khi chia ly (Ảnh: Shutterstock).
Từ chuyện tổ chức hậu sự đến… fashion tang lễ
Một trong những điểm nổi bật của làn sóng giới trẻ gia nhập ngành tang lễ là cách họ tiếp cận công việc với con mắt của những người làm marketing, thiết kế, và công nghệ. Tại Thượng Hải, công ty Baiduren hiện tuyển hàng loạt nhân viên dưới 35 tuổi, có kỹ năng tổ chức sự kiện, giao tiếp khách hàng, thiết kế không gian lễ tang – giống như một sự kiện nghệ thuật.
“Chúng tôi muốn lễ tang không còn là nỗi ám ảnh, mà là một nghi thức tiễn biệt tử tế và đẹp đẽ”, đại diện công ty chia sẻ với Global Times.
Họ cung cấp dịch vụ tổ chức tang lễ trọn gói theo phong cách cá nhân hóa: chọn nhạc, ánh sáng, video tưởng niệm và thậm chí là… bộ ảnh cuối đời cho người đã khuất.
Một số startup khác còn phát triển “app tưởng niệm” – nơi người thân có thể gửi lời nhắn, ảnh và video đến một không gian lưu giữ ký ức trực tuyến. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh xã hội Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số và tốc độ di cư đô thị cao, khiến nhiều gia đình không thể gần nhau lúc cuối đời.
“Chọn nghề xúi quẩy”
Dù vậy, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua rào cản tâm lý. Làm việc trong ngành tang lễ đồng nghĩa với việc thường xuyên tiếp xúc với nỗi buồn, sự chia ly và nhiều khi là cả sự e ngại của xã hội.
Một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quản lý tang lễ tại Đại học Dân tộc Tây Nam thừa nhận với truyền thông Trung Quốc rằng cô từng bị người thân chỉ trích vì “chọn nghề xúi quẩy”. Nhưng sau một thời gian thực tập tại nhà tang lễ thành phố, cô nhận ra ý nghĩa sâu sắc của công việc.
“Tôi đã giúp một cụ bà 83 tuổi nói lời cuối cùng với người chồng quá cố bằng một bức thư đặt trong quan tài. Bà ấy nắm tay tôi và khóc. Lúc đó tôi biết mình đã chọn đúng”, cô kể.
Năm 2024, có hơn 6.000 sinh viên đăng ký học các chuyên ngành liên quan đến dịch vụ tang lễ tại Trung Quốc – tăng gấp ba so với năm 2020, theo số liệu từ Bộ Giáo dục nước này. Một số trường đại học thậm chí còn mở thêm khoa “nghệ thuật tổ chức lễ tang” để đáp ứng nhu cầu nhân lực đang tăng.