Người lao động ở Bình Dương đang tiếp tục trải qua một đợt khó khăn mới được cho là khốc liệt hơn cả thời điểm dịch bệnh. Giờ làm bị giảm dẫn đến thu nhập cũng giảm sâu, nhiều gia đình ở trọ đang cố gắng bám trụ bằng phần lương từ 5-6 triệu đồng/tháng. Người lao động kiến nghị sớm tăng lương tối thiểu vùng để bù đắp chi phí cuộc sống.
Bình Dương thuộc Vùng I, tương ứng lương tối thiểu hiện nay là 4.680.000 đồng/tháng, lương tối thiểu giờ là 22.500 đồng/giờ. Theo LĐLĐ thành phố Tân Uyên, mức lương tối thiểu của doanh nghiệp ở Tân Uyên cao hơn khoảng 3-5%.
Chị Nguyễn Thị Hà My (36 tuổi, quê Kiên Giang) lên Bình Dương làm việc nhiều năm cho biết, sinh sống của cả gia đình phụ thuộc vào phần lương của chồng. “Công việc của ông xã cũng không ổn định, cao nhất được 7 triệu đồng/tháng. Tiền trọ chiếm 1,5-1,7 triệu đồng/tháng, tiền ăn, tiền sữa cho con. Chúng tôi phải thật tiết kiệm mới trụ lại được. Cháu lớn không được đến trường mầm non, ở nhà mẹ trông luôn” – chị My chia sẻ.
Anh Mai Văn Minh (35 tuổi, ngụ Bến Cát, làm công nhân may) cho biết: “Chúng tôi đã nghe đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ lâu. Hiện đời sống người lao động đang khó khăn, chúng tôi mong Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng để doanh nghiệp căn cứ vào đó tính toán nâng lương tối thiểu. Dù tăng 200.000 đồng hay 500.000 đồng lúc này với chúng tôi cũng rất quý”.
Ông Trần Ngọc Lương – Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng Lao động Đức Lương cũng bày tỏ ý kiến, cần tăng lương tối thiểu vùng và tăng ngay trong lúc này.
Ông Lưu Kim Hồng – Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam – phân tích, lần tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) gần nhất là tháng 7.2022. Thế nhưng trước đó, có hai năm Nhà nước đã không tăng LTTV để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Như vậy, thực chất NLĐ phải chịu đựng khá lâu mới được tăng LTTV, nếu được tăng từ tháng 1.2024.
Sau khi tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) từ tháng 7.2023 và thực tế còn tăng nhiều hơn vì người được nhận lương còn được nhân hệ số tiền lương, nhiều mặt hàng, dịch vụ đã tăng theo. Điều này làm cho tiền lương của NLĐ càng giảm giá trị. Doanh nghiệp thì luôn kêu khó khăn, nhưng nếu thống kê, so sánh số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và thành lập mới, lãi của doanh nghiệp và nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vẫn tăng, thì không thể nói vì doanh nghiệp khó khăn mà không tăng lương cho NLĐ.
Theo bà Trần Thị Hồng Vân – Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam – tiền lương của NLĐ hiện nay thấp hơn nhiều so với nhu cầu chi tiêu, nên hầu hết NLĐ đều phải tăng ca để có thêm thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Tăng LTTV sớm cho NLĐ cũng chính là góp phần giữ chân NLĐ ở lại trong khu vực chính thức, bảo đảm được việc làm cho NLĐ và an sinh xã hội nói chung khi NLĐ không nghĩ đến việc nghỉ việc rút BHXH một lần. Thời điềm tăng LTTV từ tháng 1.2024 là hợp lý.
Theo báo laodong.vn