Nhiều tài xế công nghệ, nhà hàng gắn bó với Grab nhờ hệ sinh thái đa dạng, chương trình hỗ trợ kịp thời giúp duy trì thu nhập, tăng doanh thu ngay cả thời điểm dịch bệnh.
Anh Nguyễn Anh Dũng (thị trấn Văn Giang, Hưng Yên) tham gia GrabCar từ năm 2015, thời điểm ứng dụng này còn khá mới tại thị trường Việt Nam. Là tài xế taxi truyền thống, trước sự cạnh tranh các hãng, thu nhập của anh ngày bấp bênh, khó khăn. Anh nhiều lần có ý định thay đổi công việc, tìm kiếm cơ hội mới, song như có duyên, anh vẫn tiếp tục gắn bó với “nghề cầm vô lăng”. Dũng được một người bạn giới thiệu về Grab với nhiều chương trình thưởng, anh tò mò tìm hiểu. Anh bàn với vợ vay mượn khắp nơi để có đủ chi phí mua xe mới.
Nam tài xế cho biết, ban đầu, bản thân khá lo lắng vì mô hình này còn mới, chưa nghe thấy nhiều trên báo, đài. Tuy nhiên, gia nhập một thời gian, anh thích thú với những trải nghiệm với dịch vụ gọi xe công nghệ này, nhất là các chương trình thưởng của Grab. “Thời điểm đó, tôi ấn tượng với chương trình thưởng cho mỗi cuốc xe hay khi chạm mốc số cuốc nhất định, chúng tôi sẽ có khoản thưởng khoảng 700.000 đồng hoặc hơn thế“, anh Dũng nói thêm.
Sau hai năm chăm chỉ “cày đường”, gia đình anh đã sở hữu chiếc xe của riêng mình. Thậm chí, nhờ chạy Grab, anh tích cóp đủ tiền để xây được căn nhà khang trang hai tầng cho vợ và các con. “Đây là một trong những ước mơ lớn nhất của tôi khi trước đó, cả gia đình chỉ sinh hoạt trong căn nhà nhỏ, lợp mái ngói fibro xi măng“, anh nói.
Nam tài xế chia sẻ thêm, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, dịch vụ GrabCar phải tạm ngưng hoạt động, ứng dụng cũng có nhiều chương trình hỗ trợ đối tác tài xế như gói bảo hiểm PTI Vững Tâm hay bộ GrabCare bảo vệ sức khỏe, gồm: khẩu trang y tế kháng khuẩn, khẩu trang vải, nước rửa tay khô, nước tăng lực, bánh…
“Sau 7 năm gắn bó với Grab, tôi có xe, có nhà, cuộc sống đầy đủ và chủ động thời gian hơn“, anh Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, anh Phạm Ngọc Hanh (Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia cộng đồng tài xế Grab muộn hơn sau khi khi đã thay đổi nhiều công việc. Anh Hanh từng là nhân viên văn phòng cho một số doanh nghiệp với mức lương khoảng 10-12 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập khá eo hẹp để một gia đình sống tại thành phố lớn.
Cuộc sống chật vật nên anh chuyển hướng kinh doanh, mở 2-3 quán cà phê. Tuy nhiên, công việc rất vất vả, anh không thể san sẻ công việc với vợ khi con còn nhỏ. Sau đó ít lâu, anh đã chuyển nhượng quán để tìm hướng đi mới phù hợp hơn. Từ đó, anh quyết định gia nhập Grab – ban đầu chỉ vì lý do nhà sẵn xe, nên có thời gian thì làm thử. Song chỉ thời gian ngắn, thu nhập của anh tăng gấp hai, gấp ba so với mức lương trước đó, nên anh xác định gắn bó lâu dài.
“Tôi cứ nghĩ mình sẵn máu kinh doanh nên đợi cơ hội để buôn bán. Nhưng khi chạy Grab, tôi lại thấy hợp với sở thích được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để có thêm trải nghiệm. Ai cũng vậy, muốn làm gì cũng phải đúng đam mê mới có thể bền vững“, nam tài xế bộc bạch.
Anh thừa nhận say mê với công việc, một phần “làm nhiều được nhiều nên ham”, thành ra anh Hanh ít khi nghỉ chạy. Nguồn thu nhập ổn định giúp anh và gia đình cũng tích lũy được “đồng ra đồng vào”. Nhờ đó, những tháng giãn cách do dịch, dù ở nhà nhưng gia đình vẫn đủ tài chính để chi tiêu”, vị tài xế nói thêm.
Ngoài đối tác tài xế, nhiều nhà hàng, cửa tiệm cũng tăng trưởng doanh thu nhờ tham gia hệ sinh thái Grab. Mở quán năm 2018, khi các ứng dụng giao đồ ăn chưa tối ưu như hiện nay, anh Tiệp – chủ Reiwa Japanese Restaurant (Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội) cho biết cho biết nhà hàng từng gặp khá nhiều khó khăn trong việc giao đồ ăn cho khách hàng.
Để hoàn thành một đơn hàng, quán phải tiếp điện thoại, nhận yêu cầu, chế biến và tìm người vận chuyển khi không đủ nhân lực. Đôi khi, nếu nhiều đơn đến đồng thời hay thời tiết xấu, anh đã phải từ chối khách hoặc xin thêm thời gian chờ đến hai tiếng. Việc này có thể ảnh hưởng nhiều đến việc làm ăn lâu dài của quán.
“Khi có lượng hàng lớn, chỉ cần 20 đơn trong 10 phút, quán đã gần như không thể chuẩn bị kịp nếu vẫn theo quy trình này“, chủ quán Reiwa khẳng định.
Khi hợp tác với GrabFood, vấn đề này đã được giải quyết. Anh cũng sáng tạo thực đơn riêng cho khách hàng mua trực tuyến để chế biến nhanh, phù hợp với việc di chuyển hơn. Lúc này, nhà hàng chỉ cần đảm nhận nhiệm vụ chế biến và theo dõi đơn đã hoàn thành chưa.
Reiwa Japanese Restaurant tham gia rất nhiều các chương trình thúc đẩy bán hàng của Grab như “Bữa trưa 0 đồng”, “Deal khủng 1K”, “Bữa xế 0 đồng”… để tăng độ nhận diện cũng như tiếp cận lượng khách lớn hơn. Nhờ đó, quán đã thu hút được rất nhiều khách hàng mới.
Vị chủ quán trẻ cho biết thêm, trong hai năm dịch bệnh, giãn cách xã hội thường xuyên không thể mở bán, anh đã linh hoạt vận hành quán hoàn toàn qua kênh online. Việc bán qua ứng dụng Grab chiếm đến 50% doanh thu bán hàng của quán. Thậm chí, khi bước vào thời bình thường mới, nhiều khách hàng từng mua đồ qua ứng dụng đã tới quán để dùng trực tiếp.
Nguồn https://vnexpress.net/co-hoi-tang-thu-nhap-nho-hop-tac-voi-ung-dung-cong-nghe-4463389.html