Thời điểm hiện tại của nền kinh tế đang tác động rất lớn tới đời sống của người Công nhân. Đặc biệt tình trạng thiếu hụt đơn hàng dẫn đến công nhân phải thay nhau làm theo ca, thậm chí bị cắt giảm nhân sự rất nhiều. Thực hiện một cuộc khảo sát để hỏi: “Công nhân đang mong gì?” chúng ta nhận lại được rất nhiều câu hỏi đau lòng…
Đời công nhân chưa bao giờ nhàn
Làm công nhân chưa hẳn nghèo hay khổ, không ít người vẫn thoải mái chi tiêu trong phạm vi thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng; cũng có những cặp vợ chồng mua xe, xây nhà, mở quán kinh doanh làm chủ từ chính số tiền tích góp được sau thời gian dài làm công nhân. Tuy nhiên, nói công nhân sống nhàn thì chắc chắn không thể có. Kẻ ít học, lại không tiền chỉ có 1 chọn lựa nghề nghiệp là làm công nhân. Dân có học thức nhưng không tìm được công việc phù hợp, không tìm được thú vui trong công việc cũng chọn làm công nhân cho đỡ stress… Tuy nhiên, công việc chân tay sẽ có cái cực nhọc và áp lực của nó. Nào là bị dí hiệu suất, sợ chuyền trưởng/ quản đốc hay chửi, lo đồng nghiệp vì thù hằn cá nhân mà chơi xấu… rồi hiện tại thì lo ít việc nên lương giảm, tệ hơn thì bị chấm dứt HĐ do công ty cạn việc… Không việc lấy tiền đâu mà sống?
Sau đợt ồ ạt đăng ký rút trợ cấp xã hội 1 lần hồi giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành thì nay, từ hồi đầu tháng 2 đến hiện tại, nhiều lao động mất việc lại một lần nữa tìm đến chiếc “phao cứu sinh” cuối cùng này để có tiền sống tạm, trang trải cuộc sống khó khăn.
Thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: chỉ tính riêng quý I/2023, cả nước có đến 149.000 lao động mất việc làm do DN bị giảm đơn hàng phải cắt giảm nhân viên; hơn 294.000 lao động phải nghỉ giãn việc, giảm thu nhập… đa số rơi vào các ngành sản xuất may mặc, giày da, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm…
Chỉ dám “mong” những điều tốt đẹp sẽ đến
Không phải là “muốn gì” hay “mong muốn gì”, mà chỉ là “mong” thôi. Đó sẽ là những nguyện vọng, kỳ vọng những điều bản thân mong mỏi sẽ được lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết càng nhanh càng tốt. Bởi, tất cả chỉ dừng lại ở mong ước của NLĐ, còn DN hay các cơ quan ban ngành liên quan có thực hiện không thì chưa biết, cần tùy thuộc vào nội quy công ty, thỏa ước lao động tập thể, HĐLĐ cho đến những quy định, điều khoản của luật hay thiết thực và cấp bách hơn là các chính sách, hỗ trợ kịp thời những lao động không may gặp khó ở hiện tại.
Công nhân đang mong gì?
Hỏi NLĐ, nhất là công nhân thu nhập trung bình – thấp giờ mong gì, nhiều câu trả lời được đưa ra lắm. Mỗi người, ở mỗi hoàn cảnh khác nhau sẽ mong mỏi 1 hay một vài điều phù hợp, giúp họ vượt qua giai đoạn khủng hoảng hay dự phòng cuộc sống tương lai ổn định hơn.
Một vài điều “mong” chính đáng được Ms. Đời Công Nhân tổng hợp và liệt kê như sau:
- Hầu hết công nhân hiện tại mong DN có thêm đơn hàng để việc làm đều, lương nhận đủ, các chế độ BH được đóng liên tục để đảm bảo quyền lợi. Vì ai giờ cũng lo sợ bị giảm giờ làm, giảm lương hay tệ hơn là bị cắt giảm, mất việc làm, không thu nhập.
- NLĐ trên 35 tuổi, đang làm việc trong các ngành sản xuất trực tiếp mong DN có cơ chế đảm bảo việc làm cho họ ở hiện tại lẫn tương lai vài năm nữa. Bởi đây là đối tượng lao động đứng trước rủi ro bị chấm dứt HĐLĐ cao nhất.
- NLĐ đóng BHXH tự nguyện mong cơ quan ban ngành có thêm chế độ ốm đau, thai sản vào quyền lợi được hưởng nếu đủ điều kiện.
- NLĐ đang bị DN nợ đóng BHXH khiến họ không thể làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp hay khám bệnh có BHYT mong pháp luật có chế tài đủ mạnh để răn đe các chủ DN, trả lại đầy đủ quyền lợi chính đáng cho lao động yếu thế.
- NLĐ đang muốn hưởng lương hưu thì mong lương tháng đóng BHXH cao một chút để mức tiền lương hưu sau nhận đủ sống.
- …
Là đối tượng lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt khủng hoảng đơn hàng của hiện tại, nhiều công nhân lao đao, chật vật tìm việc và làm việc. Hy vọng, DN và nhà nước đủ thấu hiểu để cố gắng hỗ trợ họ, giúp họ ổn định tinh thần lẫn việc làm, từ đó gắn bó lâu dài với DN nói riêng và với nghề nói chung, cũng là đang góp phần vào sự phát triển chung của tổ chức.
Ms. Đời Công Nhân