Mất việc, giảm giờ làm, cuộc sống khó khăn, nhiều công nhân phải làm đủ nghề để có tiền lo cho gia đình.
Tối muộn, ghé thăm chị Nguyễn Thu Chân (quê Bạc Liêu) đang thuê nhà tại khu trọ trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8, TP HCM), cũng là lúc chị và con trai vừa ăn cơm xong. Sau khi dọn dẹp, lấy tập sách cho con tự học bài, chị Chân bày đồ nghề cặm cụi làm tranh đính đá, mỗi bức được hoàn thiện, chị kiếm thêm từ 200.000 – 500.000 đồng. Chị cho biết từ khi mất việc, phải làm nhiều việc mới đủ lo kinh tế gia đình.
Làm ngày lẫn đêm
Trước đây, chị Chân là công nhân (CN) Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM). Từ khi mất việc đến nay đã 8 tháng, dù tìm nhiều nơi nhưng chị vẫn chưa có việc làm mới. “Tình hình khó khăn chung nên các công ty dệt may, da giày hầu như không tuyển mới, còn nơi có tuyển người thì tôi không đáp ứng được yêu cầu của họ” – chị Chân nói.
Khoản trợ cấp thất nghiệp đang là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Chân. Chi phí tại TP HCM quá đắt đỏ, công việc thợ hồ của chồng lại bấp bênh, nên anh và hai con nhỏ đã về quê sinh sống. Hiện chỉ còn chị và con trai chuẩn bị vào lớp 6 bám trụ lại TP HCM. Cố gắng tìm việc làm mới nhưng tình hình chẳng mấy khả quan, chị dự định sắp tới cũng sẽ về quê rồi tính tiếp.
May mắn hơn chị Chân, chị Nguyễn Thị Kim Nhã (quê Hậu Giang) xin được vào may gia công tại một cơ sở ở quận 8, với thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng, không có BHXH, BHYT. Chị tâm sự, tuy có việc làm mới nhưng đơn hàng ít, cộng với quy định khắt khe, nên gần 20 người vào cùng đợt với chị giờ chỉ còn vài người vì không chịu nổi áp lực. “Xin việc ở đâu cũng khó khăn, tuổi tôi cũng đã gần 40 lại càng khó hơn. Nhiều đồng nghiệp mất việc cùng đợt nay vẫn chưa có việc làm” – chị Nhã cho hay.
Mấy năm trước, chồng chị Nhã không may bị tai nạn lao động, nhiều năm nay chị trở thành trụ cột gia đình. Chị cho biết dù sớm tìm được việc làm mới, song thu nhập hiện không đủ để lo cho gia đình. Nếu sắp tới không tìm được việc có thu nhập tốt hơn, chị sẽ làm thủ tục hưởng BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt.
Hơn 3 tháng nay, do công ty may của vợ ít đơn hàng nên anh Nguyễn Văn Quân, CN bốc xếp cho nhà máy sữa đóng tại TP Thủ Đức, TP HCM phải chạy xe ôm công nghệ vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Anh cho biết trước đây, xe ôm công nghệ ít người chạy nên thu nhập khá nhưng gần đây người mất việc, sinh viên tham gia nhiều, cạnh tranh gay gắt. “Năm nay, con trai lớn vào lớp 12 cần tiền mua sách vở, quần áo, đóng học phí, trong khi vợ không tăng ca nên buộc tôi phải làm thêm nghề tay trái” – anh Quân bộc bạch.
Gắng gượng vì gia đình
Tại một xóm trọ trên đường Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM, chúng tôi gặp rất nhiều CN mất việc, thiếu việc làm của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Cuộc sống khó khăn trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến nhiều CN làm thêm đủ ghề.
Rời Công ty TNHH PouYuen Việt Nam sau 15 năm gắn bó, với khoản trợ cấp của công ty, chị Hồ Mỹ Phượng (39 tuổi, quê Cần Thơ) mua một chiếc máy may để lãnh hàng gia công tại nhà. Những lúc hàng ổn định, mỗi ngày chị kiếm được từ 70.000 – 100.000 đồng. Chị còn nhận sửa quần áo cho bà con trong xóm. Tuy nhiên, thu nhập từ 2 công việc trên vẫn không đủ để chị trang trải chi phí sinh hoạt cho 3 mẹ con. Mới đây, chị làm thêm công việc xếp áo mưa và giữ trẻ tại nhà. “Vẫn biết công việc trước mắt không ổn định nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Gắng gượng cũng chỉ vì mấy đứa nhỏ” – chị Phượng cho biết.
Công ty giảm giờ làm khiến chị Trần Ngọc Hoa (quê Quảng Bình), CN một công ty may mặc ở KCN Sóng Thần I (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), phải làm hai công việc cùng lúc mới đủ lo cho gia đình. 10 năm trước, chị vào TP HCM làm đủ nghề như: mua ve chai, bán vé số, phụ quán ăn… Sau đó, chị được người quen giới thiệu vào làm CN cắt chỉ cho công ty hiện tại. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, do công ty ít đơn hàng, nên việc làm ít đi, thu nhập mỗi tháng chưa đến 6 triệu đồng.
Do vậy, sau giờ làm việc và ngày nghỉ, chị Hoa đi bán mắm để có thu nhập. Ngày thường, chị kiếm được 30.000 – 40.000 đồng, cuối tuần thì khá hơn, khoảng 120.000 – 150.000 đồng. “Số tiền này vừa đủ để chị lo ăn uống, đóng tiền nhà trọ. Vất vả lắm nhưng phải ráng để lo cho gia đình, nhất là đứa con trai đang học ngành y” – chị Hoa bày tỏ.
Nguồn báo nld.com.vn