Nghệ An hiện nay có khoảng 14.050 doanh nghiệp đang hoạt động, có nhu cầu tuyển dụng 35.000-40.000 lao động/năm. Với những tín hiệu tích cực từ việc nhiều doanh nghiệp FDI chọn Nghệ An là điểm đến, thị trường lao động tại đây có chuyển động đáng mừng.
“Đón gió FDI”
Ngay đầu tháng 8.2023, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) có tổng vốn lên tới 165 triệu USD.
Đây là dự án FDI tại Nghệ An có thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư nhanh nhất. Cụ thể, thời gian từ khi khảo sát đến khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ gần 2 tháng; thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ 5 ngày làm việc.
Dự án sản xuất hợp kim nhôm gia công nâng cao phụ trợ ngành sản xuất sản phẩm điện tử với công suất 100.000 tấn/năm.
Dự án có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, dự kiến sử dụng 1.500 lao động, diện tích đất sử dụng khoảng gần 11,78ha tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, thuộc Khu kinh tế Đông Nam. Từ tháng 8.2023, dự án sẽ đi vào xây dựng nhà xưởng và dự kiến đến tháng 10.2024, dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, đây là kết quả của việc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư kể từ lúc bắt đầu vào khảo sát đến khi dự án đi vào hoạt động. Đến thời điểm này, Nghệ An đã thu hút vốn FDI trên 890 triệu USD, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành của cả nước.
Trước đó, vào hồi tháng 5.2023, tại Nghệ An cũng đã tiến hành khởi công Nhà máy cán thép chất lượng cao, vốn 125 triệu USD. Dự án có quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 12,6 ha; có tổng mức đầu tư là 125 triệu USD, sử dụng khoảng 300 lao động chất lượng cao. Dự án sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong quý II/2024.
Theo đánh giá của UBND tỉnh khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng thu ngân sách (dự kiến khi dự án đi vào hoạt động hằng năm sẽ nộp ngân sách tỉnh khoảng 1.000 tỉ đồng). Dự án sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân địa phương.
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao
Xác định nguồn nhân lực chính là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết nhu cầu việc làm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu lao động hiện nay.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 14.394 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 236 doanh nghiệp có vốn Nhà nước (có 26 doanh nghiệp do địa phương quản lý), 112 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 14.038 doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 231.152 người; trong đó, số lao động làm việc trong khối doanh nghiệp có vốn Nhà nước khoảng 23.000 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 42.000 người, doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 166.452 người.
Để đảm bảo nguồn nhân lực, theo Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ, Nghệ An tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế là mục tiêu xuyên suốt những năm qua.
Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo thông qua đặt hàng của doanh nghiệp nơi người lao động được tiếp nhận vào làm việc.
Theo laodong.vn