UBND huyện Sóc Sơn cho biết, sẽ nhanh chóng rà soát để bóc tách riêng diện tích đất rừng và đất ở, nhằm không gây khó khăn cho chính quyền trong công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Làm rõ phần đất trùng lấn
Cụ thể, tại báo cáo công tác xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Minh Phú, Minh Trí tháng 8.2023, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, sẽ nhanh chóng chỉ đạo các ngành rà soát toàn bộ hồ sơ quản lý đất đai với các tổ chức được UBND TP Hà Nội giao đất, các đơn vị an ninh, quốc phòng, trong phạm vi ranh giới quy hoạch rừng.
Hiện UBND huyện Sóc Sơn đang rà soát lại số liệu trùng lấn ranh giới giữa đất rừng với đất của hộ gia đình, cá nhân đã được đo vẽ bản đồ địa chính năm 1993. Sau đó, các đơn vị chuyên môn sẽ có cơ sở bóc tách gần 1300ha đất trùng lấn, đất rừng, cho người dân giữ lại đất ở theo đúng quy hoạch.
Ngoài ra, trên cơ sở kế hoạch 57/KH-UBND ngày 18.2.2022 của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã lựa chọn được đơn vị tư vấn để tổ chức đo đạc bản đồ địa hình tỉ lệ 1/5000 và tiến hành điều tra, rà soát đất lập nghiệp trên địa bàn huyện và thành lập bản đồ hiện trạng rừng. Đơn vị tư vấn cũng đang thực hiện công tác bay chụp hiện trạng rừng tại 11 xã, thị trấn.
Thời gian qua, UBND Hà Nội cũng đã chỉ đạo huyện Sóc Sơn rà soát hiện trạng rừng, nhà dân và từ đó đề xuất để đưa vào quy hoạch chung của Thủ đô, quy hoạch vùng của huyện Sóc Sơn. Với những khu vực dân cư không nằm trong quy hoạch, chính quyền sẽ phải đền bù, giải phóng mặt bằng và di dời người dân.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch rừng
Tìm hiểu của PV Lao Động, ngày 29.5.2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UB về điều chỉnh Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Theo đó, TP Hà Nội quy hoạch toàn bộ 4.557ha đất thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 20.4.2023 của UBND TP Hà Nội về việc công bố hiện trạng rừng trên địa bàn Hà Nội năm 2022 thì tổng diện tích có rừng của huyện Sóc Sơn là 3.266,12ha, còn lại là đất khác như đất quốc phòng, an ninh, đất được Nhà nước giao cho các tổ chức thuê, đất tôn giáo tín ngưỡng, đường giao thông, đất ở và đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (tại bản đồ đất khu dân cư tỉ lệ 1/1000 đo đạc năm 1993).
Đáng chú ý, thống kê từ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, diện tích đất rừng trùng lấn trên toàn huyện là 1300 ha. Toàn bộ diện tích rừng này đến nay chưa được cắm mốc, đo đạc địa chính, chưa được cập nhật bản đồ số hóa từ khi người dân đến sinh sống, tạo lập vùng kinh tế mới, khiến công tác quản lý đất đai gặp bất cập.
Ông Lê Minh Tuyên – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) thông tin với Lao Động ngày 15.8, TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn rà soát những hộ dân có hồ sơ chứng minh được là chủ đất từ trước năm 1993.
Sau khi có danh sách cụ thể, chính quyền địa phương sẽ cùng đơn vị chuyên môn chuẩn bị hồ sơ, phối với sở ngành liên quan để bóc tách, cho người dân giữ lại phần đất ở theo đúng quy hoạch.
Ông Lê Minh Tuyên nhấn mạnh, cần tập trung công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới rừng, xây dựng bản đồ số hóa để quản lý đất rừng. Đối với khu vực trùng lấn thì cần đề xuất để điều chỉnh ra khỏi bản đồ quy hoạch rừng năm 2008. Việc rà soát, điều chỉnh bản đồ Quy hoạch rừng năm 2008 được xem là giải pháp cốt lõi cho bài toán quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn.
Theo báo Laodong.vn