Cuộc sống khó khăn, chính sách BHXH còn bất cập là những nguyên nhân khiến người lao động quyết định rút BHXH một lần
Tại Hội thảo lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP HCM ngày 11-8, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết giai đoạn 2016 – 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH là 5%-6%/năm. Trong đó, số người hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH chiếm gần 99% và chủ yếu là NLĐ làm việc ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước (gần 91%).
Khó chờ đến tuổi nghỉ hưu
Ông Lê Văn Trinh, công nhân Công ty TNHH Giày Thông Dụng (tỉnh Bình Dương), cho hay đã 2 lần rút BHXH một lần. Lần đầu khi mới tham gia BHXH được hơn 2 năm vào thời điểm công ty bị cháy, phải nghỉ việc.
Sau đó, ông tham gia BHXH tiếp được 7 năm thì rút BHXH một lần nữa để trả nợ xây nhà. Hiện nay, ông cũng như nhiều NLĐ có cùng suy nghĩ với điều kiện sống không bảo đảm nên khó có thể đạt được tuổi thọ như các nhà làm luật tính toán để hưởng lương hưu. Nếu không may mất trước khi nghỉ hưu hoặc chỉ mới hưởng lương hưu được vài ba năm sẽ rất thiệt thòi nên quyết định hưởng BHXH một lần.
Ông Phạm Anh Đức, công nhân Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (TP HCM), cũng từng hưởng BHXH một lần sau 4 năm tham gia. Hiện nay ông đã đóng BHXH được 17 năm và rất muốn tham gia lâu dài để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, ở độ tuổi 47, sức khỏe giảm sút, ông không biết còn giữ được việc làm bao lâu. Trong khi chờ đến đủ 62 tuổi để hưởng lương hưu là quá dài. Do vậy, ông mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu để có thể hưởng lương hưu nhằm có thu nhập khi về già.
Tương tự, bà Vũ Kim Xanh (tỉnh Đồng Nai) cũng đã 2 lần rút BHXH một lần. Lần cuối cùng cách đây 5 năm khi đóng BHXH được 12 năm. Thời điểm đó bà đã 49 tuổi, không tìm được việc làm mới sau khi nghỉ việc nên buộc phải rút BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống.
“Tôi rất muốn được hưởng lương hưu nhưng thời gian chờ đợi quá dài, hơn nữa không có DN nào chịu tuyển lao động ở độ tuổi của tôi nên không có nguồn thu nhập để duy trì tham gia BHXH. Do vậy, tôi đề nghị nên có chính sách hỗ trợ lao động lớn tuổi chuyển đổi nghề nghiệp nhằm tạo nguồn thu nhập để họ gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH” – bà Xanh đề nghị.
Chính sách BHXH chưa hấp dẫn
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cho hay theo khảo sát của ông, NLĐ rút BHXH một lần không hẳn là quá bức thiết về tài chính, đa số sử dụng số tiền rút ra để mua sắm đồ dùng cá nhân như điện thoại, xe máy…, chỉ khoảng 15% là phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của gia đình.
Theo ông Sơn, thực trạng trên diễn ra là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, đồng thời chính sách lương hưu còn bất cập. Cụ thể, đối với cá nhân ông, với 35 năm tham gia BHXH (gồm 15 năm công tác trong quân đội và 20 năm làm việc trong DN ngoài nhà nước), khi tính thử mức lương hưu cho toàn bộ thời gian đóng thì mức lương nhận được chỉ cao hơn 210.000 đồng so với chỉ tính thời gian tham gia BHXH của 20 năm cuối. “Điều này đi ngược với nguyên tắc đóng càng nhiều hưởng càng cao, NLĐ không thấy lợi khi tham gia BHXH lâu dài nên sẽ lựa chọn rút BHXH một lần” – ông Sơn nói.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai), nhìn nhận sau khi Luật BHXH năm 2014 ban hành, quyền lợi đối với người hưởng chính sách BHXH một lần tăng (từ 1,5 tháng lương lên 2 tháng lương bình quân đóng cho 1 năm tham gia BHXH) nhưng quyền lợi đối với người hưởng lương hưu lại giảm (lao động nam phải đóng 20 năm mới được hưởng 45%, lao động nữ hưởng 45% sau 15 năm đóng BHXH, sau đó mỗi năm chỉ được tính 2%/năm so với 3% trước đây, sau khi đóng đủ số năm thì hưởng mức tối đa 75%, số năm đóng dư chỉ được tính 0,5 tháng lương/năm đóng…). Mặt khác, chỉ số quy đổi bù trượt giá chưa hợp lý, chưa theo kịp trượt giá và mức tăng của lương tối thiểu vùng nên chưa khuyến khích được NLĐ tham gia BHXH lâu dài để hưởng lương hưu.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, nhận định NLĐ đóng BHXH càng dài thì độ lợi của lương hưu không lớn, điều này thể hiện sự bất ổn của chính sách. Cụ thể, NLĐ đóng BHXH đến khi DN giải quyết chế độ hưu trí sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, nên so với người nhận BHXH một lần hoặc nghỉ trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu (có thời gian tham gia ngắn hơn) sẽ thiệt thòi hơn. “Cần phải sửa đổi chính sách phù hợp với nguyên tắc đóng – hưởng để NLĐ thấy được cái lợi của việc đóng BHXH lâu dài cũng như chế độ hưu trí để ở lại hệ thống an sinh” – ông Hà đề nghị.
Hỗ trợ nhóm lao động khó khăn
Theo ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, muốn NLĐ đóng BHXH lâu dài thì phải có chính sách lương hưu tốt. Nguyên tắc của chính sách BHXH là đóng – hưởng nhưng đóng nhiều mà hưởng không tương xứng cũng sẽ không khuyến khích NLĐ gắn bó với hệ thống an sinh. Theo ông Phong, từ các góp ý tại hội thảo có thể chia NLĐ rút BHXH một lần thành 2 nhóm. Nhóm NLĐ thật sự khó khăn cần khoản BHXH một lần để trang trải cuộc sống và nhóm rút BHXH một lần vì thấy có lợi hơn. “Ban soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh chính sách để chế độ hưu trí tốt hơn nhằm thu hút NLĐ tham gia lâu dài. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ nhóm NLĐ khó khăn, tạo điều kiện cho họ gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH” – ông Phong nói.
Theo nld.com.vn