Họ là những người mới cưới, chưa có tích luỹ tiền bạc nhiều nên là nhóm người bị tổn thương nhiều trong đợt dịch này.
Nhà ở gần nhiều dãy trọ của công nhân, người lao động, tôi có dịp chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt và những lối suy nghĩ của họ hàng ngày. Trong đợt dịch kéo dài này, ngoài những người già và vô gia cư ra, tôi nhận thấy những gia đình trẻ ở trọ là những người bị tổn thương sâu sắc nhất, về khía cạnh tinh thần lẫn vật chất.
Mùa dịch này, “hai quả tim vàng” vẫn còn đó nhưng không nằm trong “túp lều tranh” như xưa mà ở những căn phòng trọ 15-20m2. Với những người lập gia đình đã lâu, chừng năm mười năm gì đó thì thường đã có tích luỹ một chút ít để chắt bóp qua giai đoạn này.
Tuy nhiên, với những người trẻ, làm công, mới lập gia đình trong giai đoạn đầu 2020 và nay, họ là những người đang thiếu thốn nhất. Tiền cưới hỏi, làm đám tiệc vừa mới xong, thậm chí có người còn vay nợ chưa trả xong thì lấy đâu ra tiền tiết kiệm và tích luỹ.
Hai vợ chồng bạn trẻ quê miền Trung mới cưới cuối 2019 mà tôi quen vẫn còn kẹt lại. Gia đình trẻ ví như một tổ chim đang xây đã chịu gió, bão. Mới cưới cuối 2019, suốt nửa đầu 2020 thu nhập bấp bênh, vợ có chồng không vì dịch, nửa sau 2020 thì đỡ hơn chút.
Tết 2021 vừa rồi nghe lời tôi khuyên, họ cũng không dám về quê vì chẳng có nhiều tiền. Đầu năm đến giờ vừa tìm được việc, làm được vài tháng thì nghỉ vì dịch tiếp. Tiền bạc dăm đôi triệu với họ bây giờ là con số lớn, bởi cả ngày quanh quẩn trong căn trọ 15m2 thì chẳng xoay được một xu nào.
Mấy tháng qua sống nhờ thực phẩm, gạo, mì được cứu trợ, họ mong hết dịch để được đi làm. “Cũng may mới cưới chưa có con, hai vợ chồng còn trẻ, khoẻ chỉ mong có đồ ăn qua ngày chờ hết dịch để đi làm, có thu nhập lại, năm nay coi như không tính, hy vọng năm sau hết dịch để làm lại từ đầu chú ơi”- lời anh chồng tâm sự khi tôi nhắn tin bảo đi lấy rau củ được cho miễn phí.
Những cặp vợ chồng trẻ khác có con nhỏ trong mùa dịch này, thực sự nếu ở trong hoàn cảnh của họ, tôi cũng chẳng biết phải giải quyết thế nào, tuy bản thân đã trải qua những năm tháng khó khăn lúc mới lập gia đình. Ứng dụng nhắn tin luôn có những tin cầu cứu, xin sữa, cháo cho những đứa trẻ, mà cha mẹ chúng không có thu nhập mấy tháng nay, tiền trọ còn xin khất. Nếu chẳng may những đứa trẻ đổ bệnh ngay lúc này, tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào.
Thực sự bây giờ ai cũng có những khó khăn riêng về tiền bạc, kinh tế. Nhưng tôi nghĩ với những gia đình có tích luỹ, dù ít và đã có nhà riêng là đã hơn rất nhiều người rồi. Tôi cũng biết so sánh khó khăn của từng hoàn cảnh riêng biệt với nhau là điều khập khiễng. Người giàu và người “trông có vẻ” giàu chưa chắc đã sung sướng. Nhưng ít ra cũng không lo lắng về những vấn đề cơ bản như chỗ ở, miếng ăn.
Nhiều gia đình trẻ và con cái họ đang khó khăn có thể nói là “bó mình” trong đợt dịch rất cần sự giúp đỡ, quan tâm của hàng xóm, láng giềng lúc này.
Lê Bảo