(iWorker.vn) – Theo bạn đọc, nên quy định số năm đóng BHXH được hưởng lương hưu không nhất thiết phải chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Mức lương hưu thấp nhất tại mọi thời điểm cũng phải bằng lương tối thiểu vùng.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, trên iWorker.vn tiếp tục có bài viết “Ồ ạt rút BHXH một lần: Đừng “gài” người lao động vào thế khó“. Bài viết nhận được nhiều sự đồng thuận của nhiều độc giả, trong đó phần lớn cho rằng đề xuất này là không khả thi.
Một bạn đọc tên Dương bày tỏ: “Bản chất của bảo hiểm thì ai cũng biết là sự tích lũy để hưởng lợi khi cần. BHXH nhân văn hơn bảo hiểm nói chung là chỗ tính ưu việt xã hội. Nhưng những nhà làm luật BHXH chưa cho NLĐ thấy và được hưởng những gì gọi là ưu việt, chưa nói thường gài NLĐ vào thế bất lợi”. Tương tự, bạn đọc Liêm cũng cho rằng: “Các đề xuất gỡ vướng vấn đề tuổi nghỉ hưu và cách tính trả lương hưu của Bộ LĐ-TB-XH hiện vẫn không đi đúng trọng tâm nguyện vọng của đại đa số người lao động, vì vậy càng gỡ lại càng vướng và rất rối rắm“. Từ thực tế này, bạn đọc Trần Hoàng Minh góp ý: “Luật lao động điều chỉnh tăng tuổi hưu nên sửa lại để phù hợp lòng dân vào tạo điều kiện cho lớp trẻ phấn đấu và cống hiến, có như vậy mới phát huy được nền kinh tế đất nước“.
Theo một bạn đọc tên Vinh: “Thật vô lý hết sức, nếu đóng 10 hay 20 năm là đủ để hưởng lương hưu, nhưng phải đợi đến 60-62 tuổi mới được nhận lương hưu, mà thường thì nếu đóng đủ 20 năm thì ít nhất phải 10 năm nữa mới nhận được lương hưu. Nếu NLĐ không đóng tiếp có nghĩa là người ta không lao động nữa, vậy là phải sống vất vưởng để chờ lương hưu, BHXH không có giải pháp nào hỗ trợ NLĐ trong khoảng thời gian này? Cách tính lương hưu cũng không công bằng giữa lao động trong DN và cơ quan hành chính“. Cùng góc nhìn, theo bạn đọc Chu Thanh Tân: “Luật BHXH hiện hành quá thiệt thòi cho NLĐ. Mức hưởng 45% cho 20 năm đầu thay vì trước kia là 55%, NLĐ tăng tuổi nghỉ hưu bị thiệt kép vì thời gian đóng keo dài thêm 2 năm, thời gian thụ hưởng giảm đi 2 năm. Các nhà làm luật đã làm người lao động bị sốc thực sự. Mấy bác làm chính sách có tinh đến quyền lợi này cho người lao động không, sẽ còn diễn ra việc rút bảo hiểm một lần vì người lao động giờ họ tinh toan hơn, hiểu biết hơn rồi. Luật còn mang tính áp đặt, siết chặt quản lý nhiều hơn thì chưa giải quyết được tình trạng rút bảo hiểm một lần” – bạn đọc này viết.
Bạn đọc Đặng Thanh Tùng góp ý: “Tôi ủng hộ ý kiến nên quy định số năm đóng BHXH được hưởng lương hưu không nhất thiết phải chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đóng nhiều hưởng nhiều không bị trừ % vô lý vì đó là tiền của NLĐ đóng. Cùng là lực lượng lao động như nhau tại sao NLĐ làm trong doanh nghiệp nhà nước thì tính bình quân cả quá trình đóng BHXH còn người hưởng lương từ ngân sách nhà nước lại tính 5 năm cuối, phải chăng là do những người làm luật đều hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Luật hay chính sách an sinh xã hội cũng đều phải lấy cuộc sống thực tế của NLĐ làm trung tâm thì mới hài hòa, thể hiện được tính ưu việt của BHXH chứ không phải chỉ để đối phó với việc rút bảo hiểm một lần”.
Theo một bạn đọc tên Tường: “Trách nhiệm của ngành BHXH là thiết kế tính toán và tham mưu cho Bộ LĐ-TB-XH, các cơ quan xây dựng và ban hành luật một hệ thống BHXH đảm bảo mức sống tối thiểu cho người về hưu, mức lương hưu thấp nhất tại mọi thời điểm cũng phải bằng lương tối thiểu vùng, có như vậy người lao động mới an tâm tham gia đóng BHXH mà không nghỉ tới việc rút một lần. BHXH luôn tuyên truyền tính ưu việt này nọ nhưng thực tế lương hưu của NLĐ nhận được thấp hơn chuẩn hộ nghèo trong khi đó quyền lợi của người tham gia BHXH ngày càng hạn chế và siết chặt sau mỗi lần điều chỉnh luật. Chính vì vậy NLĐ không an tâm bảo lưu kết quả đóng bảo hiểm của mình để được hưởng chế độ hưu trí”.
Một bạn đọc giấu tên viết: “Trước giờ tôi thấy mọi người góp ý cũng nhiều về vấn đề này, nhưng hình như những người làm chính sách BHXH không quan tâm, không nghĩ cho người lao động, chỉ sợ vỡ quỹ. Nay tôi xin đưa ra giải pháp thế này, cũng là tổng hợp ý kiến mọi người và quan điểm cá nhân. Về độ tuổi nghỉ hưu, theo tôi là 60 hay 62 tuổi không quan trọng. Về thời gian đóng BHXh để được hưởng lương hưu, tôi nghĩ không cần giảm, vẫn giữ 20 năm cả nam lẫn nữ luôn. Ở đây tôi giải sử là 60 tuổi là tuổi nghỉ hưu. Trong trường hợp đóng đủ 20 năm để hưởng lương hưu, thì theo quy định, nếu nghỉ hưu vào năm 60 tuổi thì được hưởng tỉ lệ 45% theo cách tính hiện nay, và mỗi năm đóng thêm sẽ được cộng 2%, cho đến khi đạt 75% phần đóng vượt được hưởng trợ cấp 1 lần. Trong trường hợp, NLĐ đóng đủ 20 năm và muốn nghỉ hưu sớm, thì theo tôi, mỗi năm sớm trước 60 tuổi sẽ trừ đi 1%. Như vậy, nếu đi làm và đóng BHXH sớm nhất từ 18 tuổi, thì đến 38 tuổi là đủ 20 năm đóng BHXH nếu đóng liên tục, đây là giải định lý tưởng, thì nếu NLĐ có nhu cầu hưởng lương hưu hay họ có thể để chờ đến 60 tuổi hay 1 độ tuổi nào khác mới lãnh lương hưu, thì họ sẽ bị trừ đi 22 năm, tức 22%, và chỉ được nhận tỉ lệ là 23%”.
Cơ quan soạn thảo luật có lắng nghe?
“Lâu nay rất nhiều bài báo cũng như ý kiến của đọc giả tên báo NLĐ đã nêu rất rõ, rất đủ và rất hợp lý, chỉ còn phần cơ quan biên soạn và QH có lắng nghe và thấu hiểu không thôi. Tôi tha thiết mong báo NLĐ nên có một cuộc khảo sát về nguyện vọng cốt lõi của NLĐ về những vấn đề luật BHXH mà NLĐ đang rất quan tâm nhằm thông qua đó có cái nhìn thực tế hơn để cơ quan chức năng có thể nhìn thấy trực quan nhất, và cũng mong các bạn đọc chia sẻ thông tin một cách chính thống qua các quan hệ xã hội, để càng nhiều người tham gia khảo sát thì kết quả càng sát với thực tế hơn. Chúng ta hãy bỏ tư tưởng nói có được gì đâu, nói chi cho mệt đi, xin hãy cùng cơ quan truyền thông, báo đài nói lên tiếng nói của NLĐ để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và thịnh vượng hơn” – một bạn đọc giấu tên viết
Bài và ảnh: An Chi trên báo nld.com.vn