Theo nhiều bạn đọc iWorker.vn, không nên quy định độ tuổi là bao nhiêu mà cần quy định cứng là đóng BHXH bao nhiêu năm thì được lĩnh lương hưu.
Đề tài “Vì sao người lao động ồ ạt rút BHXH một lần” trên iWorker.vn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả iWorker.vn. Xung quanh vấn đề bất bình đẳng trong cách tính lương hưu, tuổi nghỉ hưu và cách tính trượt giá mà chúng tôi đề cập ở nhiều bài viết trước, số đông bạn đọc bày tỏ thái độ đồng tình và đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề để từ đó tham mưu cho Quốc hội điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Bạn đọc Nguyễn Hạnh viết: “Cám ơn quý báo có nhiều bài viết nói đúng thực trạng bảo hiểm xã hội và nguyện vọng của người lao động. Bạn đọc Vũ Tuấn Cường bày tỏ: “Có ai dám thừa nhận và sửa lại, người lao động cố còng lưng mà chờ thôi. Làm việc từ 20 tuổi đến 50 tuổi đủ 30 năm mà phải chờ thêm cả chục năm nữa mới được hưởng lương mà không biết được bao nhiêu năm”. Theo một bạn đọc tên Văn, Luật BHXH càng điều chỉnh, càng bất cập. “Xin hãy quay lại theo quy định cũ, để người lao động không bị thiệt thòi. Chứ cứ thế này, thì nhiều người, không thể đợi đến ngày nghỉ hưu. Mong các cấp lãnh đạo xem xét lại, sao cho thuận cho người lao động“- bạn đọc này góp ý.
Bạn đọc Nguyễn Thao: “Liên tục các số báo gần đây tôi đã theo dõi liên tục các bài viết của Quí báo về vấn đề bất cập của BHXH. Các câu hỏi đặt ra của Quí báo rất chính xác và rõ ràng thực tế. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi suy nghĩ rằng, đúng, chính xác và rõ ràng thực tế …nhưng sự tiếp thu của quí cơ quan là có hay không. Để làm rõ hơn vấn đề, bạn đọc này nêu ví dụ: Chị tôi là giáo viên mầm non có thời gian công tác là gần 30 năm, được nhận Huy chương vì sự nghiệp giáo dục vậy mà năm 2016 cầm sổ hưu với mức lương hơn chưa tới 2,4 triệu đồng. Do quá nửa thời gian chị tôi chỉ hưởng biên chế từ ngân sách của UBND xã chi trả, mãi sau này mới được chuyển về hưởng mức lương từ ngành giáo dục của huyện. Với mức đóng bảo hiểm từ xã chỉ có từ vài trăm ngàn đồng một tháng đến khi chuyển về ngành mới được đóng theo mức hưởng lương thực tế, từ đó tổng bình quân năm đóng bảo hiểm, ứng với tổng số tiền đóng bảo hiểm , chia ra bình quân số tiền đóng mỗi tháng …thì mức lương hưởng hưu hàng tháng mới nhất hiện nay vừa được Nhà nước tăng thêm mới nhất thì chỉ gần 2,6 triệu đồng”
Bức xúc không kém, bạn đọc tên Nguyên Sa hài hước: “Bản thân tôi, 52 tuổi, sắp nghỉ việc ở cơ quan, và dự định không làm cơ quan khác nữa, về quê trồng rau nuôi cá, bỏ nghề. Vậy tôi không rút một lần thì để tiếp làm gì nhỉ“. Tương tự, bạn đọc Cao Xuân Hùng bày tỏ tiếc nuối: “Tôi nhất trí với các ý kiến trên. Tôi đã đóng BHXH 32 năm, tính đến 1.11.2018. Khi đó tôi nghỉ việc và được 54 tuổi. BHXH nói tôi không đóng tiếp thì chốt sổ chờ 60 tuổi sẽ lãnh lương hưu. Ngờ đâu bây giờ tôi phải chờ 61 tuổi mới được lương hưu. Lúc này tôi nhiều bệnh nên không thể lao động. Lúc này tôi nghĩ về 32 năm đóng BHXH không hề giúp được gì cho mình“.
Một bạn đọc giấu tên đề nghị: “Ngoài việc trả BHXH không sòng phẳng thì BHXH còn làm thất thoát tiền của NLĐ đóng vào. Vụ án Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng làm thất thoát 1.700 tỉ đồng đã xử xong, nhưng số tiền đó có được hoàn trả vào quỹ hay không, nếu có thì lấy từ nguồn nào?“.
Một bạn đọc tên Tâm cho rằng tiền đóng BHXH là tiền mồ hôi nước mắt của người lao động vì vậy hãy để người lao động được tự quyết định vì đó là tài sản của họ. Bạn đọc Huy Chương ấm ức: “Quá thiệt thòi cho người lao động. Theo tôi giữ nguyên tuổi hưu nam 60 nữ 55 . Thời gian đóng bảo hiểm là 30 năm cho nam và 25 năm cho nữ. Nếu ai không đủ thời gian đóng bảo hiểm thì phải làm đến 62 tuổi và 55 tuổi theo thời điểm nào đến trước. Người đóng bảo hiểm trên 30 năm thì cứ dư 2 năm được giảm 1 năm tuổi hưu mà vẫn nhận đủ 75 %”
Một bạn đọc tên giấu tên góp ý: “Tôi nghĩ có 2 việc thứ nhất là điều chỉnh chế độ hưởng lương hưu theo hướng người đóng đủ 15 năm thì được hưởng mức đảm bảo tối thiểu cuộc sống nhưng phải có xác nhận về tình trạng sức khỏe, công việc để tránh lạm dụng, những người đóng càng lâu thì tính thêm phần trăm để bù chênh lệch giá và khuyến khích họ. Thứ hai là kiểm soát giá cả thị trường, tăng năng suất lao động, giá trị sản phẩm để người lao động hưởng mức lương cao hơn, từ đó cũng tăng mức đóng BHXH, đảm bảo hoạt động của quỹ“.
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Nguyễn Văn Hùng bày tỏ: “Tất cả chúng ta đang nói đến những thiệt thòi và bất cập trong việc chi trả và tại sao người lao động họ chọn rút bảo hiểm 1 lần. Nhưng cái tôi muốn nói đến đây nữa là cơ chế quản lý và việc chi trả lương, chi phí cho nhành BHXH. Tại sao họ quản lý tiền của người lao động lại ăn lương cao hơn mức lương bình thường hành chính sự nghiệp, trong khi họ không phải kinh doanh hay tạo ra vật chất gì cho xã hội. Tại sao không công khai minh bạch số tiền quản lý của người lao động, lãi, chi phí trả lương hay các khoản khác của cơ quan BHXH cho mọi người đóng vào cái quỹ đó biết. Mà lúc nào cũng sợ vỡ quỹ“.
Bãn đọc Hai Lúa viết: “Làm nhà nước thì ráng được đến 60 nghỉ hưu, nhưng với người làm công nhân cho doanh nghiệp 45, 50 đã bị đào thải rồi. 50 tuổi nghỉ việc, chờ thêm 10 năm để lĩnh lương, mà công nhân thì chủ yếu sống bằng lương, đùng cái nghỉ việc 10 năm kia lấy gì để sống. Bắt buộc họ phải rút ngay 1 lần thôi. Theo bạn đọc này, nên tính đến việc quy định số năm đóng BHXH = với số năm được lĩnh lương hưu là sát thực tế nhất. Đồng thời không quy định độ tuổi là bao nhiêu mà cần quy định cứng là đóng BHXH bao nhiêu năm thì được lĩnh lương hưu ví dụ 15 năm, 17 năm hoặc 20 năm. “Người lao động có quyền lựa chọn số tuổi mà mình sẽ lĩnh lương hưu, ví dụ tôi 50 tuổi đóng BHXH 20 năm thì tôi sẽ được lĩnh lương hưu 20 năm. Nếu 50 tuổi tôi nghỉ việc thì tôi có thể chọn lĩnh lương hưu ngay đến 70 tuổi nếu còn sống, còn không tôi chờ 55 tuổi tôi lãnh lương hưu đến 75 tuổi….. và hệ số lương hưu nên bằng ngay thời điểm nghỉ hưu“- bạn đọc này góp ý.
Nguồn https://nld.com.vn/cong-doan/o-at-rut-bhxh-mot-lan-luat-bhxh-cang-dieu-chinh-cang-bat-cap-20220521084043652.htm