Ông chủ Phúc Sơn “mừng khóc cả đêm” vì đã khắc phục hoàn toàn hậu quả
(iWorker) – Chiều 3/7, khi nhận được thông báo Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp khắc phục thêm 768 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Văn Hậu mừng phát khóc, cả đêm chỉ ngủ 1-2 tiếng, nằm khóc ướt 2 cánh tay.
Sáng 4/7, phiên xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, và 40 bị cáo về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ quay lại phần tranh luận vì Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội mới nhận biên lai thể hiện Tập đoàn Phúc Sơn nộp khắc phục 768 tỷ đồng và bị cáo Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nộp thêm 200 triệu đồng.
Được chủ tọa yêu cầu nêu ý kiến, bị cáo Nguyễn Văn Hậu trình bày, chiều 3/7, khi nhận được thông báo Tập đoàn Phúc Sơn nộp khắc phục thêm 768 tỷ đồng, bị cáo đã mừng đến phát khóc.
“Đêm qua tôi chỉ ngủ được 1-2 tiếng, nằm quay phải, khóc ướt hết tay phải; nằm quay trái, khóc ướt tay bên trái. Tôi khóc vì mừng.
Cảm ơn tòa, Viện kiểm sát đã tạo điều kiện cho tôi khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án. Cái này là tình tiết giảm nhẹ, mong tòa cân nhắc cho 40 bị cáo còn lại vì tôi mà phải chịu trách nhiệm”, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu cũng gửi lời cảm ơn Viện kiểm sát, HĐXX đã tạo điều kiện để có thể khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Xét toàn bộ hậu quả vụ án đã được khắc phục, Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho 8 bị cáo như Nguyễn Văn Hậu, Phùng Quang Hùng, Hà Hòa Bình (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc),…
Mặc dù được đề nghị giảm án vì đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án nhưng tổng hình phạt mà VKS đề nghị đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn vẫn là 30 năm tù.

Toàn cảnh phiên xét xử (Ảnh: Minh Phương).
Sau khi HĐXX xét hỏi thêm một số bị cáo, các luật sư cũng được cho phép trình bày thêm những luận điểm bào chữa.
Dù vậy, hầu hết các luật sư đều chung ý kiến, đề nghị VKS và HĐXX xem xét giảm nhẹ thêm hình phạt cho thân chủ của họ, dựa vào tình tiết hậu quả vụ án được khắc phục triệt để, hoàn toàn.
Luật sư Bùi Đình Ứng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu) trình bày, do hậu quả của vụ án đã được khắc phục toàn bộ nên HĐXX cần tuyên trả lại tài sản của Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Thăng Long và tài sản của những người có liên quan đến bị cáo Hậu đang bị kê biên, phong tỏa.
Bên cạnh đó, Luật sư Ứng cũng đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cũng như 40 bị cáo khác trong vụ án.
Đối với đề nghị giải tỏa kê biên, phong tỏa tài sản, đại diện Viện kiểm sát cho biết, vấn đề này sẽ được HĐXX xem xét một cách thỏa đáng, đúng quy định.
Sau đó, HĐXX thông báo, do phiên tòa có một số tình tiết mới, xét thấy cần tiếp tục nghị án kéo dài, vì vậy phán quyết sẽ được đưa ra vào 9h ngày 11/7.
Theo đánh giá của VKSND TP Hà Nội, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thăng Long, đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong vụ án.

Bị cáo Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Nam Anh).
Đại diện VKS cho biết, lời khai của các bị cáo, người liên quan và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định Nguyễn Văn Hậu có hành vi đưa hối lộ.
Để được thực hiện các dự án, gói thầu tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi, Hậu đã gặp gỡ, trao đổi, đưa tiền cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc để các cá nhân này chỉ đạo, tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Thăng Long của Hậu được trúng thầu.
Hậu đã đưa tiền cho các cá nhân là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ngành tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi với tổng số tiền hơn 72,5 tỷ đồng và 2,62 triệu USD, tương đương hơn 132,2 tỷ đồng,…
Cơ quan tố tụng xác định hậu quả vụ án là hơn 1.160 tỷ đồng đã được khắc phục toàn bộ.