Nhà nước cần cụ thể hóa chủ trương và tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội với tài xế xe công nghệ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có khuyến nghị về việc tăng cường tiếp cận và tham gia các chương trình an sinh xã hội (ASXH) của tài xế xe công nghệ gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để trình cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, hoàn thiện chính sách an sinh, cải thiện điều kiện việc làm cho đối tượng này trong tương lai gần.
Nghề của nhiều rủi ro
Tự do về thời gian, không thích thì tắt ứng dụng (app) nghỉ, đó là nguyên do chị Nguyễn Thị Thu Phương (quê Nghệ An) gắn bó với nghề xe ôm công nghệ. Trước khi chuyển sang công việc này, chị làm kế toán thời vụ cho một số cơ quan, doanh nghiệp. Song vì có con nhỏ, phải sắp xếp thời gian đưa đón con đi học nên chị chuyển sang chạy xe ôm công nghệ.
Bình quân chị Phương chạy 5-6 giờ/ngày. Sau khi công ty khấu trừ chi phí, trung bình tổng thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 7 – 8 triệu đồng. “Đó là chưa tính tiền xăng và chi phí bảo dưỡng xe, còn nếu lỡ ốm, đau, bệnh tật thì thuốc thang mình tự lo, tính đi tính lại chẳng dư được là bao. Chạy xe ôm công nghệ là một trong những nghề nhiều rủi ro, vì vậy nếu có thêm các chế độ phúc lợi xã hội cơ bản thì chúng tôi sẽ an tâm hơn khi làm việc” – chị Phương nói.
Là lao động ngoại tỉnh và làm mẹ đơn thân nên mọi chi phí đều do chị gánh vác. Chị trăn trở với thu nhập ở mức đủ sống, nếu đề xuất này được thông qua thì tài xế xe ôm công nghệ đỡ khổ.
Đồng tình với khuyến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam, anh Nguyễn Hoàng Duy Khương (quê An Giang) cho biết nếu không may ốm đau, bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì người làm nghề này sẽ được hỗ trợ phần nào. Rời quê lên TP HCM mưu sinh, ban ngày anh Khương học nghề tóc, chiều làm ở quán ăn, tối nhờ chạy xe ôm công nghệ nên mỗi tháng anh Khương có thêm 3 – 4 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. “Ở thành phố chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên kiếm được đồng nào hay đồng đó. Sợ nhất vẫn là những cuốc xe đêm vì rủi ro rất cao” – anh Khương trải lòng.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam từ chương trình “Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình ASXH, cải thiện điều kiện việc làm”, cả nước có khoảng 200.000 tài xế xe công nghệ (môtô hoặc ôtô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Có gần 50% tài xế xe công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP HCM. Đa số họ là người ngoại tỉnh (nữ chiếm 5%).
Nghiên cứu bước đầu đối với các tài xế xe công nghệ của Công ty Grab vào cuối năm 2021 cho thấy họ xuất thân đa dạng như: từ người lái xe truyền thống chuyển sang, lao động tự do, sinh viên, công nhân, người buôn bán nhỏ… Trong đó có 25% trình độ tiểu học và THCS, 26% trình độ cao đẳng trở lên; 2/3 tài xế xe công nghệ đã có gia đình và 60% đang phải kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên.
“Trong khi đó, thu nhập từ nguồn lái xe công nghệ khá thấp và họ phải chi tiêu dè sẻn để lo toan cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong điều kiện vất vả về thời tiết, đường sá, va quệt, tai nạn; chịu áp lực từ khách hàng; mất, hỏng hàng hóa, thậm chí cả vấn đề quấy rối tình dục và nhiều hành vi nguy hiểm khác” – ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết.
Qua nghiên cứu khái quát về việc làm và khả năng tiếp cận, tham gia các chương trình ASXH, đặc biệt là chính sách BHXH, với những tài xế xe công nghệ cho thấy “khoảng trống chính sách” đối với lực lượng lao động tự do, lao động phi chính thức – đối tượng chưa được tiếp cận, tham gia đầy đủ các chương trình ASXH toàn diện hiện nay.
Từ đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng đã kiến nghị, đề xuất một số giải pháp như: Cần nghiên cứu diện rộng nhằm cung cấp cơ sở khoa học để hoàn thiện các chính sách liên quan đến người lái xe công nghệ và công ty cung ứng dịch vụ nền tảng; triển khai, cụ thể hóa chủ trương và tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách ASXH với các nhóm tài xế xe công nghệ.
Ngoài ra, cơ quan BHXH cần kết hợp với các ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ nền tảng hỗ trợ người lái xe công nghệ đăng ký và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT thuận tiện, phù hợp đặc điểm việc làm, nghề nghiệp của họ và tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các chính sách ASXH tới đối tượng người lái xe công nghệ…
Thu nhập không cao, làm việc căng thẳng
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, với các tài xế xe công nghệ của Công ty Grab, bình quân thu nhập (đã trừ phí, xăng…) của tài xế môtô là 318.000 đồng/ngày (7 triệu đồng/tháng), tài xế ôtô là 564.000 đồng/ngày (12 triệu đồng/tháng). Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ… từ công ty cung ứng dịch vụ không thường xuyên và khá thấp. Thu nhập không cao nhưng tài xế xe công nghệ phải làm việc rất căng thẳng. Trong đó, tài xế môtô là 9,2 giờ/ngày, ôtô là 11,2 giờ/ngày; các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ dường như không có và phải chịu áp lực giao hàng sớm, đúng giờ…
Nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/tai-xe-xe-cong-nghe-can-diem-tua-an-sinh-20220513200536943.htm