Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Kết luận số 174-KL/TW, về một số nhiệm vụ tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ – hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí Công đoàn) chịu ảnh hưởng bởi sắp xếp.
Quan tâm, đề xuất
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết theo tổng hợp của Tổng LĐLĐ Việt Nam từ số liệu các LĐLĐ tỉnh, thành cung cấp, đến thời điểm tháng 5-2025, cả nước có 511 cán bộ Công đoàn chuyên trách làm chuyên môn, nghiệp vụ theo chế độ HĐLĐ. Phần lớn trong số này ký hợp đồng trước ngày 15-1-2019 (425 người) do nhu cầu thực tế thiếu nhân sự làm việc trong các cơ quan chuyên trách Công đoàn.
Theo đánh giá chung, những cán bộ Công đoàn làm việc theo chế độ HĐLĐ phần lớn có trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác tốt; tâm huyết, tận tụy, gắn bó với đoàn viên – lao động, sâu sát cơ sở, cống hiến hết mình cho tổ chức Công đoàn và người lao động (NLĐ). Nhiều người nỗ lực đạt thành tích vượt trội với mong muốn được tuyển dụng trở thành Công chức phục vụ lâu dài trong tổ chức Công đoàn. Đến nay, người làm lâu nhất là 33 năm, người gắn bó ngắn nhất là 5 năm với tổ chức Công đoàn.

Anh Nguyễn Hùng (bìa phải) tham gia hỗ trợ người lao động khó khăn trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Ảnh: CAO HƯỜNG
Trong quá trình rà soát, triển khai thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Công đoàn và đơn vị sự nghiệp Công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sớm quan tâm đến đối tượng cán bộ Công đoàn chuyên trách làm chuyên môn, nghiệp vụ theo chế độ HĐLĐ. Do đó, trong tháng 5 và 6-2025, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi Bộ Nội vụ và các buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương kiến nghị quan tâm, xem xét vấn đề này.
“Với trách nhiệm của mình, trước quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên – lao động nói chung, cán bộ Công đoàn nói riêng, Đảng ủy và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam rất quan tâm, nghiên cứu, đề xuất. Đây là vấn đề có tính lịch sử và chưa có trong các chính sách, nên khi chưa có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa thể thông báo hay truyền thông đến anh chị em được” – ông Hiểu cho hay.
Trong 3 tháng qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và thành lập tổ công tác làm việc rất khẩn trương. Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là bảo vệ quyền lợi của cán bộ Công đoàn trên cơ sở mặt bằng chung của các chính sách. Ông Hiểu nhấn mạnh khi Kết luận 174-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành, đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách làm việc theo chế độ HĐLĐ cũng như cán bộ Công đoàn nói chung rất vui mừng và phấn khởi. Tổng LĐLĐ Việt Nam đang tính toán, lên phương án cụ thể để làm việc với Bộ Nội vụ cùng các cơ quan liên quan.
Mong sớm có thông báo
Là một trong số 511 cán bộ Công đoàn chuyên trách ký HĐLĐ chuyên môn, nghiệp vụ bị ảnh hưởng việc làm khi sắp xếp bộ máy nhưng lại không thuộc diện được hỗ trợ, anh Dương Thế Nguyên, cán bộ Công đoàn chuyên trách các KCX-CN TP HCM, cho hay anh và đồng nghiệp đã làm việc hết mình, vì tổ chức, vì quyền lợi của đoàn viên – lao động.
Không quản đêm ngày, bất cứ lúc nào, công nhân gọi điện thoại là tư vấn ngay; hướng dẫn cơ sở thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể; nhận ủy quyền để đứng đơn khởi kiện doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi đoàn viên – lao động tại tòa án. “Khi đại dịch COVID-19 ập đến, chúng tôi là lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia điều phối, hỗ trợ… Nhưng khi tổ chức sắp xếp lại, chúng tôi phải nghỉ việc, không được nhận chế độ hỗ trợ. Điều này khiến chúng tôi rất tâm tư” – anh Nguyên nói.
Vì vậy, khi có Kết luận số 174-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư anh Nguyên rất mừng, vì sau nhiều nỗ lực kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng của các cán bộ Công đoàn diện HĐLĐ đã được lắng nghe, ghi nhận. “Nếu được, tôi rất mong sớm có thông báo bằng văn bản về chế độ cho cán bộ Công đoàn nghỉ việc. Đồng thời, mong tổ chức Công đoàn có thêm chính sách quan tâm riêng dành cho cán bộ Công đoàn tùy theo thâm niên công tác để có một khoản chi phí sinh hoạt trong khi tìm việc khác” – anh Nguyên bày tỏ.
Vui mừng không kém là anh Nguyễn Hùng, cán bộ Công đoàn chuyên trách LĐLĐ quận 12 (cũ), TP HCM. Anh cho biết: “Với tin vui từ Kết luận 174, tôi mong muốn các cán bộ Công đoàn chuyên trách ký hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ bị ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy cũng sẽ được hỗ trợ”.
Suốt 17 năm công tác, anh Hùng trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau từ cán bộ phụ trách công tác tổ chức, chính sách pháp luật… Ở bất kỳ vị trí nào, anh cũng làm việc bằng cả tâm huyết, nhiều đêm thức trắng vì công việc chưa hoàn thành, có nhiều vụ ngừng việc tập thể kéo dài cả tuần, anh sẵn sàng cùng công nhân đeo bám đến cùng để đòi quyền lợi cho họ.
Giờ đây, khi không còn là cán bộ Công đoàn nhưng thỉnh thoảng vẫn nhận được các cuộc gọi nhờ tư vấn của NLĐ, anh vẫn hết lòng hỗ trợ họ trong khả năng. Tình yêu với công việc chưa dứt, anh Hùng mong muốn tiếp tục học thêm về pháp luật để có thể hỗ trợ, tư vấn cho NLĐ khi họ cần.
Liên quan đến việc hàng trăm cán bộ Công đoàn chuyên trách ký hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ trước thời điểm ngày 15-1-2019 (mốc hiệu lực của Nghị định 161/2018) nghỉ việc do quá trình sắp xếp tổ chức nhưng không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản gửi cấp có thẩm quyền qua nhiều hình thức như kiến nghị, báo cáo…
Báo Người Lao Động đã thông tin về sự việc này trên Báo Người Lao Động điện tử vào ngày 28 và 29-6.
Đến ngày 4-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Kết luận số 174-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách làm việc theo chế độ hợp đồng chịu ảnh hưởng bởi sắp xếp.