Trả hồ sơ vụ nữ cựu phó giám đốc ngân hàng bị cáo cuộc chiếm đoạt 2.700 tỷ
(iWorker) – Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ vụ bị cáo Vũ Thị Thu Nhung (48 tuổi, cựu Phó Giám đốc Eximbank, chi nhánh Ba Đình) bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 2.700 tỷ đồng.
Sau 2 ngày xét xử, ngày 9/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ vụ cựu phó giám đốc ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 2.700 tỷ đồng để làm rõ một số vấn đề liên quan. Vụ án này đã nhiều lần được đưa ra xét xử, từng bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo cáo buộc, từ năm 2014 đến tháng 5/2022, do cần tiền tiêu, bà Vũ Thị Thu Nhung (48 tuổi, cựu Phó Giám đốc Eximbank, chi nhánh Ba Đình) đã có hành vi gian dối, đưa ra các thông tin không có thật để lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.700 tỷ đồng của khoảng 100 người.
Cụ thể, để lừa tiền của nhiều người, bị cáo đã đưa ra thông tin về việc Ngân hàng Eximbank, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội đang có các chương trình gửi tiền dành cho khách như: Chương trình gửi có kỳ hạn, rút gốc linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên hoặc dành cho khách hàng là lãnh đạo nội bộ trong hệ thống Ngân hàng Eximbank,…
Theo thông tin mà bà Nhung đưa ra, các chương trình này được quản lý riêng trên hệ thống tài khoản nội bộ của lãnh đạo Ngân hàng Eximbank, không phát hành rộng rãi.

Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung (Ảnh: Lê Nhung).
Bị cáo đề nghị những người có nhu cầu chuyển tiền cho mình, sau đó sẽ có trách nhiệm chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng và gửi lại chứng từ, trả tiền gốc và tiền lãi…
Không chỉ thế, nữ cựu phó giám đốc còn đưa ra thông tin gian dối về việc Ngân hàng Eximbank, chi nhánh Ba Đình thanh lý bán đấu giá tài sản thanh lý (là các bất động sản nợ xấu tại ngân hàng).
Nếu có nhu cầu đầu tư, khách hàng có thể chuyển tiền vào Công ty TNHH tư vấn đầu tư và quản lý tài sản Việt Nam mà bà Nhung gọi là “công ty sân sau” của nội bộ các lãnh đạo Ngân hàng Eximbank.
Cáo buộc thể hiện, thực tế, công ty trên do chính bà Nhung thành lập, nhờ Nguyễn Thị Diệu Linh đứng tên Tổng giám đốc công ty. Bà Nhung mới là người quản lý, sử dụng tài khoản của công ty để ký quỹ đầu tư mua bán đấu giá tài sản thanh lý nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank.
Thời gian ký quỹ ngắn, dao động trong các mốc 5, 10, 15 hoặc 25 ngày, khách hàng sẽ nhận lại toàn bộ tiền gốc và được hưởng tiền lợi nhuận chênh lệch từ 10 đến 14% số tiền nộp ký quỹ tùy vào từng tài sản đấu giá.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của nhiều người tin tưởng vào các thông tin gian dối mà bà Nhung đưa ra, bị cáo đã không thực hiện như cam kết.
Sau đó, bị cáo Vũ Thị Thu Nhung lấy tiền của người nộp sau trả cho người nộp tiền trước. Số tiền còn lại, bị cáo chiếm đoạt sử dụng và chi tiêu cá nhân.
Ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi làm giả 57 tài liệu của Ngân hàng Eximbank, chi nhánh Ba Đình đối với bị cáo Vũ Thị Thu Nhung.
Về trách nhiệm dân sự, các bị hại yêu cầu cựu giám đốc phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.
Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị buộc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải giao nộp lại tiền hưởng lợi bất chính, để khắc phục hậu quả cho bà Nhung. Trong đó có người bị đề nghị nộp lại hơn 1,8 tỷ đồng.
Vụ án này trước đó đã từng được đưa ra xét xử vào tháng 9/2024. Khi đó HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án do xét thấy thiếu chứng cứ có liên quan đến tội phạm mà không thể bổ sung tại phiên tòa; đồng thời có căn cứ để cho rằng, có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.
Phiên tòa lần này, sau phần xét hỏi, HĐXX lại quyết định trả hồ sơ vì xét thấy hồ sơ vụ án thiếu chứng cứ liên quan đến tội phạm mà không thể bổ sung tại phiên tòa được; bên cạnh đó, có căn cứ để cho rằng bị cáo có đồng phạm giúp sức trong việc thực hiện hành vi phạm tội.
Tòa cũng yêu cầu xác minh các thông tin liên quan đến số tiền bị cáo đã chiếm đoạt, số tiền người liên quan hưởng lợi, từ đó xác định nghĩa vụ bồi thường trong vụ án này.