Xuất khẩu rau quả phục hồi, bất ngờ từ một loại quả
(Dân trí) – Trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt khoảng 704,8 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2024. Xuất khẩu ngành hàng này được dự báo sẽ bứt phá mạnh nếu các vướng mắc sớm được tháo gỡ.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu năm ước đạt trên 3 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt khoảng 704,8 triệu USD, tăng 14,3% so với tháng 5 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, dừa trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong các tháng đầu năm nhờ nhu cầu từ các thị trường tăng, đẩy giá tăng cao. Giá dừa của Việt Nam đã tăng từ 1,21 USD/kg (hơn 31.000 đồng/kg) năm 2022 lên đến 7,26 USD/kg (hơn 189.000 đồng/kg) hiện nay.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dừa Việt Nam, Mỹ bắt đầu nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam vào năm 2023, Trung Quốc bắt đầu sớm hơn, sau đó là các nước Trung Đông tăng cường mua.
Riêng với thị trường Trung Quốc, cơ quan quản lý cho biết 5 tháng qua, Trung Quốc giảm nhập khẩu rau quả từ hầu hết nguồn cung lớn như Thái Lan, Chile, Việt Nam, nhưng tăng nhập khẩu từ New Zealand và Philippines. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Việt Nam giảm, nhưng thị phần hàng rau quả của Việt Nam trong tổng nhập khẩu vào Trung Quốc vẫn tăng 11,98%.

Từ tháng 10/2024, trái dừa tươi Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (Ảnh: CTV).
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng nhu cầu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ có sự phục hồi, cho dù tiềm ẩn nhiều thách thức.
Cơ quan quản lý nhận định trong 6 tháng qua, ngành rau quả Việt Nam gặp khó khăn do xuất khẩu sầu riêng giảm. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực gần đây cho thấy, ngành hàng này có thể kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh trong mùa cao điểm nếu các vướng mắc sớm được tháo gỡ.
Cụ thể, các nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường, đặc biệt là Trung Quốc và việc đẩy mạnh đa dạng thị trường, kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, Cục cho rằng việc giải quyết các rào cản kỹ thuật và quy định kiểm dịch thực vật mới của Trung Quốc sẽ là chìa khóa để phục hồi xuất khẩu sầu riêng và các mặt hàng rau quả khác sang thị trường này. Việt Nam đang ưu tiên cấp mã vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hợp lý hóa các quy trình kiểm tra.
Các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Australia sẽ tiếp tục là trọng tâm để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, tăng cường chế biến sâu sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu trái cây tươi và giải quyết các vấn đề về bảo quản sau thu hoạch, giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động.